Thứ Tư, 14 tháng 10, 2009

Những điều cần biết về LED TV

Mặc dù các nhà sản xuất vẫn đang tiếp tục cải thiện công nghệ ánh sáng nền nhưng có vẻ càng ngày công nghệ chiếu sáng cạnh được ưu ái phát triển hơn.

TV LED vẫn là một LCD TV thông thường nhưng ánh sáng nền sử dụng diode phát quang (light-emitting diodes - LED) thay vì đèn huỳnh quang ca-tốt lạnh (cold-cathode fluorescent lights_CCFL) thông thường. Mặc dù năm nay mới là năm nở rộ của TV LED với các mẫu ngày càng siêu mỏng, nhưng màn LCD đèn nền LED thực ra đã bắt đầu được bán từ 2007 kể từ khi model Samsung LA70F91B ra mắt.

Không giống như màn Plasma hay OLED, công nghệ mà mỗi điểm ảnh là một nguồn sáng riêng, mỗi điểm ảnh của màn LCD phải được chiếu sáng từ một nguồn sáng nền ở phía sau.

TV Samsugn LA70F91B là LED chiếu hậu. Ảnh: Plasmavslcdreview.
TV Samsugn LA70F91B là LED chiếu hậu. Ảnh: Plasmavslcdreview.

1. Có hai loại ánh sáng nền LED

Ban đầu, các màn hình LED như model Samung LA70F91B được chiếu sáng bằng một lưới các dãy đèn LED phía sau tấm nền LCD. Tuy nhiên, để chế tạo những màn hình siêu mỏng, các kỹ sư cần phải loại bỏ độ dày do lớp đèn nền LED này tạo nên. Vì thế, họ đã chuyển các đèn LED này ra phía cạnh. Các đèn LED được gắn vào 4 cạnh của màn hình, ánh sáng sau đó sẽ được chiếu vào giữa qua những tấm hướng sáng. Do kiểu đặt cạnh này mà tên của các màn sử dụng công nghệ dạng này thường được gọi là màn hình đèn LED cạnh.

Samsung hiện là nhà chế tạo chính của công nghệ chiếu cạnh này với việc tiếp tục tung ra thêm 3 series HDTV LED mới trong năm nay. Hiện Sony cũng đã bắt đầu đi theo công nghệ này bằng phiên bản KLV-40ZX1. Ngoài công nghệ chiếu cạnh, các nhà sản xuất như Samsung, Sony, Sharp và LG đều có các mẫu HDTV chiếu sáng nền.

2. Trong hai công nghệ LED, tính năng tối cục bộ tăng cường mức độ đen nhưng lại tạo hiệu ứng quá sắc.

Nói chung, công nghệ ánh sáng nền thế nào thì sẽ ảnh hưởng đến độ sâu màu đen ra sao. Tất cả các TV LED hiện thời với công nghệ chiếu nền, trừ phiên bản Sharp LC-LE700M, đều được trang bị tính năng tối cục bộ. Với tính năng này, một vùng nào đó của ánh sáng nền có thể được làm tối đi, hay sáng lên tùy theo cảnh tương ứng tại vùng đó đang là cảnh tối hay sáng.

Trong khi đó, công nghệ nền đèn nền CCFL thông thường hay thậm chí LED chiếu cạnh không thể làm được điều này do toàn bộ ánh sáng nền thường sáng cùng lúc.

Khả năng tối cục bộ giúp giảm thiểu lượng sáng bị rò rỉ qua những điểm ảnh vốn dĩ phải là tối, từ đó giúp tăng cường độ sẫm màu hơn. Do mức độ đen có tầm quan trọng tới độ tương phản, vì thế, màu đen càng sâu thì ảnh hiển thị càng đẹp. Các TV series 9 của Samsung là những mẫu LCD có khả năng xử lý tối cục bộ vào hàng xuất sắc so với các sản phẩm hiện có trên thị trường.

Tuy nhiên, một nhược điểm của công nghệ tối cục bộ là dễ bị hiệu ứng quá sắc (blooming). Các vùng sáng hơn tràn sang vùng tối và làm sáng lên các vùng tối liền kề. Hiệu ứng này khác nhau tùy thuộc vào từng đời màn hình khác nhau. Nguyên nhân liên quan tới việc bao nhiêu đèn LED nền riêng lẻ có thể được làm tối cục bộ (diện tích vùng có thể làm tối), nhưng một số nhà sản xuất lại không tiết lộ điều này. Các công nghệ màn hình khác như chiếu cạnh lại không bị hiệu ứng trên.

TV Sony ZX1 là LED chiếu cạnh. Ảnh: Beareye.
TV Sony ZX1 là LED chiếu cạnh. Ảnh: Beareye.

3. TV chiếu cạnh mỏng nhưng ánh sáng nền lại không đồng nhất.

Yếu tố cạnh tranh nhất của TV LED chiếu cạnh là các nhà sản xuất có khả năng chế tạo những màn hình siêu mỏng. Tuy nhiên, nhược điểm là ánh sáng nền lại không được đồng nhất. Với các màn chiếu sáng cạnh, bạn có thể kiểm tra bằng cách cho hiển thị một bức ảnh toàn màu trắng, bạn sẽ thấy ngay viền cạnh ngoài của bức ảnh trông sáng hơn. Cũng như vậy, nếu bạn xem một màn toàn màu đen, các viền cạnh do sáng hơn nền sẽ trở thành các màu xám thay vì đen hơn ở giữa màn hình.

4. Ánh sáng nền LED dù loại nào cũng không cải thiện góc nhìn vốn đã hẹp của công nghệ LCD.

Một trong những nhược điểm của màn LCD là hình ảnh bị suy giảm chất lượng khi người xem ngồi xa dần ra phía các cạnh. Ánh sáng nền LED không cải thiện được nhược điểm này, thậm chí trong một vài trường hợp còn làm cho nó trở nên tồi tệ hơn.

Samsung series 9 là một ví dụ. Sản phẩm này hiện là một trong những LCD xử lý mức độ đen tốt nhất trên thị trường, nhưng hỉnh ảnh chỉ đẹp khi bạn ngồi đúng "điểm ngọt". Chỉ cần dịch chuyển ra xa khỏi tâm màn hình, sang trái hay phải hoặc đứng lên, bạn sẽ thấy ngay hình ảnh không hoàn hảo được như lúc ở tâm nữa. Sự khác biệt này có thể nhận ra là do bạn đang chăm chú xem những bức hình đẹp ở một góc nhìn tốt (điểm ngọt), khi dịch xa khỏi điểm này, bạn sẽ nhận thấy ngay sự khác biệt về chất lượng. Còn nếu như ngay từ ban đầu bạn đã xem ở góc hình ảnh không hoàn hảo, bạn sẽ không nhận thấy nhiều khác biệt cho dù bạn có dịch chuyển đi đâu.

5. Đèn nền LED hiệu quả hơn đèn nền thông thường.

Rõ ràng đèn nền LED có thể giảm thiểu điện năng sử dụng. Phiên bản 46 inch LA46B6000 của Samsung chỉ tiêu tốn tiền điện khoảng 18,73 USD một năm (tất nhiên là sau khi đã căn chỉnh để cân bằng lượng ánh sáng nền phát ra). Bản thân LCD đèn nền CCFL thông thường cũng đã rất tiết kiệm, như Samsung LA46B650 nền CCFL trung bình cũng chỉ mất khoảng 25,96 USD một năm, vẫn nhiều hơn 28% so với đèn nền LED. Nhưng nói chung, sẽ chẳng ai đắn đo với sự khác biệt khoảng 8 USD mỗi năm giữa khả năng tiết kiệm điện của hai màn hình công nghệ LED hay CCFL này cả.

Bản thân LCD, dù công nghệ ánh sáng nền là gì cũng đã tiết kiệm điện hơn màn Plasma. Ví dụ, cũng một màn Plasma 46 inch Panasonic TC-P46G10, sau khi căn chỉnh mức tiêu thụ sẽ vẫn khoảng 60,69 USD một năm, hơn gấp 3 lần so với LED TV.

Samsung LA46B650. Ảnh: Tic.
Samsung LA46B650. Ảnh: Tic.

6. Đèn nền LED sẽ tốt hơn, vấn đề chỉ là sẽ tốt hơn bao nhiêu.

Mặc dù các nhà sản xuất vẫn đang tiếp tục cải thiện công nghệ ánh sáng nền nhưng có vẻ công nghệ chiếu sáng cạnh sẽ được ưu ái phát triển hơn. Do việc khách hàng luôn ấn tượng với những màn hình siêu mỏng nên các kỹ sư đang cố gắng cải thiện công nghệ chiếu cạnh, tiến tới sao cho bằng hoặc hơn công nghệ đèn chiếu nền.

Một vấn đề đáng quan tâm với công nghệ LED chiếu nền (theo đó là tính năng tối cục bộ) là để có một giải pháp hoàn hảo, phải cần tới 2,1 triệu đèn LED để có thể chiếu sáng độc lập 2,1 triệu điểm ảnh (của một màn hình độ phân giải 1080p). Nếu như thêm từng đó đèn LED, công nghệ này lại không còn là công nghệ tối ưu giữa chất lượng và hiệu quả nữa.

7. LED nghĩa là giá cao hơn.

Trung bình một TV LED sẽ đắt hơn khoảng 400 USD so với LCD thường, còn những mẫu đẳng cấp cao hơn sẽ có giá lên tới khoảng trên 2.000 USD tùy thuộc kích cỡ màn hình.

Nên nhớ rằng, kể cả các phiên bản cấp cao trình diễn tính năng hoàn hảo đến đâu thì nói chung mức độ chất lượng tốt lên không tỷ lệ thuận theo theo con số phần trăm cái giá phải trả. Hay nói cách khác, một màn hình có thể đắt hơn tới 25% giá tiền nhưng chất lượng hình ảnh chỉ cải thiện được chừng 10%. Nhưng cuối cùng, tất nhiên là giá LED TV đang ngày càng giảm và bạn sẽ không còn phải trả những mức cao ngất trời như hiện nay.

8. TV LED cấp cao cho hình ảnh không thua kém màn Plasma.

Các màn LCD vốn trước đây luôn bị Plasma đánh bại về yếu tố độ sâu màu đen. Với công nghệ nền LED mới, màn LCD cao cấp giờ đây có thể sáng ngang với Plasma về mức độ đen và chất lượng hình. Tuy nhiên, LCD vẫn còn vướng vấn đề về chất lượng góc nhìn. Với Plasma, bạn không phải lo lắng về chất lượng hình suy giảm kể cả khi bạn ngồi xem ở cạnh.

9. Nếu không căn chỉnh đúng, các màn LED hay thường cũng không khác biệt gì.

Theo Cnet, bạn có thể mua những LCD tốt nhất, công nghệ mới nhất trên thị trường, nhưng nếu không căn chỉnh đúng hình ảnh thì chất lượng hình bạn xem cũng chẳng cải thiện được là bao so với các LCD ít tiền hơn và công nghệ kém hơn.

Nguyễn Hà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét